Hướng dẫn làm đẹp
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Tóc đẹp
  • Tiền Giang: Hiệu quả cao từ những cánh đồng mẫu lớn

Tiền Giang: Hiệu quả cao từ những cánh đồng mẫu lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sau một thời gian thí điểm cho các hộ nông dân sản xuất lúa trên mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao từ mô hình này. Không những thế, người nông dân còn được tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới, xóa bỏ tập quán cũ lạc hậu, kém hiệu quả.

 Trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Tiền Giang
(Nguồn: Báo Ấp Bắc)


Chỉ sau hai năm triển khai mô hình sản xuất lúa trên "cánh đồng mẫu lớn", đến năm 2013, tỉnh Tiền Giang đã có gần 1.000 ha với 1.160 hộ nông dân tham gia, trong đó có 524 ha được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa đang được triển khai có hiệu quả tại địa phương, không chỉ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ đất canh tác mà còn hướng bà con đến mục tiêu sản xuất sạch, an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chí VietGAP.

 

Tham gia sản xuất theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn", đồng hành với các hộ nông dân, còn có đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Tiền Giang, đây là sự vào cuộc tích cực của các đơn vị chức năng, nhằm giúp cho người sản xuất lúa gạo yên tâm về nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật sản xuất và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm lúa gạo vốn đã bấp bênh trong thời gian qua. Chính vì vậy, chỉ trong vụ đông xuân năm 2012 – 2013, toàn tỉnh Tiền Giang đã có gần 700 ha lúa được tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đó là Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Địa bàn triển khai tại các huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp khu vực ngập lũ phía Tây và Dự án ngọt hóa Gò Công phía đông như các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo,, Gò Công Tây.v.v…

Công ty Lương thực Tiền Giang, đơn vị tích cực tham gia chương trình đã cung ứng giống tốt, vật tư nông nghiệp..., tổng trị giá nửa tỉ đồng không tính lãi trong vòng 4 tháng. Nông dân thực hiện trong mô hình được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá sàn, bảo đảm nông dân có lãi trên 30%. Trong vụ đông xuân 2012 – 2013, huyện Cai Lậy đã triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở hai xã Thạnh Lộc và Mỹ Phước Tây với tổng diện tích 134 ha. Kết quả, mỗi kg lúa được Công ty Lương thực Tiền Giang, đơn vị liên kết thực hiện, mua cao hơn giá thị trường từ 400 đồng đến 500 đ/kg. Nhờ vậy, mỗi ha lúa sản xuất trong khuôn khổ “cánh đồng mẫu lớn” cho lợi nhuận cao hơn từ 2,4 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng so với sản xuất trong điều kiện bình thường. Đối với Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, đơn vị này cũng tham gia xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” gắn kết trong “Chương trình cùng nông dân ra đồng” thực hiện tại các huyện như Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây, qua đây, người nông dân được tiếp cận với trình độ sản xuất lúa tiên tiến, nắm vững khoa học kỹ thuật, từ đó, nâng cao giá trị cho hạt lúa, tiết kiệm chi phí trong sản xuất đến mức tối đa, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích đất canh tác.

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, Tổ trưởng tổ sản xuất “cánh đồng mẫu lớn” của địa phương cho biết, từ khi thực hiện mô hình “cùng nông dân ra đồng”, rồi đến “cánh đồng mẫu lớn”, thành công lớn nhất đó chính là đã giúp cho bà con nông dân nắm bắt được kỹ thuật trồng lúa. Ông Lê Hoàng Tùng cho biết thêm, điều quan trọng nhất là các hộ nông dân đã giảm bớt chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Phấn khởi hơn nữa, đó là, khi bà con nông dân ở xã Tân Hòa Tây quen với kỹ thuật và cách sản xuất mới của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thì Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang sẽ bao tiêu luôn sản phẩm với giá luôn ở mức ổn định và có lãi.

Triển vọng liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa tại các địa phương ở tỉnh Tiền Giang đang được khẳng định qua từng vụ lúa. Tại huyện Cai Lậy, một địa phương trọng điểm lúa nằm trong vùng ảnh hưởng lũ lụt phía tây tỉnh Tiền Giang, trong vụ đông xuân 2013 – 2014 đã có 142 ha được sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ông Trần Văn Thì, hộ sản xuất lúa theo mô hình này ở ấp 4, xã Thạnh Lộc, Cai Lậy phấn khởi cho biết, nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh, thăm đồng thường xuyên, chủ động phòng chống sâu bệnh kịp thời, sử dụng các giống lúa chất lượng cao được thị trường xuất khẩu chấp nhận và ưa chuộng, được bao tiêu với giá ổn định nên mô hình cánh đồng mẫu lớn của gia đình ông đã đạt được kết quả tốt.

Theo hạch toán, trong vụ đông xuân 2013- 2014, gia đình ông đạt năng suất lúa bình quân 84 tạ/ha, sản lượng thu được trên 10 tấn lúa hàng hóa, bán với giá 4.600 đ/kg, thu trên 46 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 32 triệu đồng. Trong vụ hè thu sớm, gia đình ông cũng đã đạt năng suất 60 tạ/ ha, sản lượng 7,2 tấn, bán giá 4.250 đ/kg, thu được trên 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 12 triệu đồng. Vụ hè thu chính vụ, gia đình ông Trần Văn Thì đạt năng suất 60 tạ/ha, sản lượng 7,2 tấn lúa hàng hóa, bán với giá 4.700 đ/kg, thu được gần 34 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 16 triệu đồng. Tổng cộng sau ba vụ sản xuất trong năm, gia đình ông thu được lợi nhuận ròng trên 60 triệu đồng. Từ kết quả của mình, gia đình ông Trần Văn Thì tiếp tục vận động nông dân trong vùng tích cực hưởng ứng chủ trương nhà nước, tham gia cánh đồng mẫu lớn nhằm đạt hiệu quả sản xuất một cách bền vững.

Tiếp nối những thành công trên, năm 2014, kế hoạch liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở những vụ lúa tiếp theo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 10.700 ha. Trong đó, vụ xuân hè triển khai 430 ha ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy. Tổng diện tích lúa dự kiến thực hiện mô hình trong vụ hè thu là 6.570 ha ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công và vụ thu đông sẽ thực hiện là 3.700 ha lúa liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Từ những hiệu quả tích cực trên, hiện nay, đã có thêm nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh Tiền Giang tham gia vào chương trình này, như Công ty ADC, Công ty Tân Thành.v.v…

Cụ thể, từ đầu vụ lúa hè thu chính vụ 2014 đến nay đã có 4 doanh nghiệp và 1 tổ hợp tác ký hợp đồng liên kết “Cánh đồng mẫu lớn” với tổng diện tích trên 732 ha. Theo đó, Công ty Lương thực Tiền Giang bao tiêu 42 ha lúa OM4900 ở xã Tân Điền; 60 ha lúa Nàng Hoa 9 ở xã Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông); 100 ha lúa Jasmine ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè); 40 ha lúa OM5451 ở xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy). Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng bao tiêu 150 ha lúa OM4900 ở xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè). Công ty ADC bao tiêu 70 ha lúa Nàng Hoa 9, Jasmine, OM4900 ở xã Mỹ Hạnh Trung (huyện Cai Lậy); 36,5 ha lúa OM4900 ở xã Bình Phú (huyện Cai Lậy); 17,6 ha lúa OM4900 ở xã Mỹ Hạnh Đông (huyện Cai Lậy); 46,9 ha lúa Jasmine ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè); 50 ha nếp và lúa OM4900 ở xã Hậu Mỹ Phú (huyện Cái Bè).Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang bao tiêu 69 ha lúa OM4900 ở xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè). Tổ hợp tác ấp 4, xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) bao tiêu 50,5 ha lúa IR50404 của bà con trong ấp.

Có thể thấy, để có được những thành công trên, tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nhiều phương thức đa dạng để các doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội liên kết với nhau tốt nhất trong sản xuất lúa. Các phương thức được ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đưa ra để các doanh nghiệp và các đối tác, nông dân lựa chọn gồm đầu tư vật tư trọn gói kết hợp với bao tiêu sản phẩm; đầu tư vật tư một phần và bao tiêu sản phẩm và không đầu tư vật tư nhưng bao tiêu sản phẩm, trong đó, hai phương án đầu được khuyến khích ưu tiên lựa chọn.

Để chủ trương trên triển khai thành công, tỉnh Tiền Giang tập trung cho các giải pháp qui hoạch và kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, gắn xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" trong các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình thâm canh, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tạo nền tảng cho mối liên kết bốn nhà./…