Hướng dẫn làm đẹp
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Chăm sóc da
  • Sẽ công khai danh tính người mua dâm trên báo chí?

Sẽ công khai danh tính người mua dâm trên báo chí?

Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.

UBND Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế Pháp lệnh bằng Luật Phòng, chống mại dâm. Theo đó cùng với kiến nghị tăng mức phạt hành chính, Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.


Ngoài ra, đơn vị này còn kiến nghị bổ sung sửa đổi khái niệm "bán dâm" tại Khoản 1 Điều 3. Sửa cụm từ “giao cấu” thành cụm từ “thỏa mãn tình dục”, để xử lý được hành vi kích dục của người khác giới và hành vi mua bán dâm của người đồng giới.
Lý giải đề xuất này, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: “Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: người bán dâm sau khi bị bắt giữ chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng nên người bán dâm ngầm hiểu là “phạt để tồn tại”. Việc xử phạt như quy định hiện nay hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái phạm”.
Ông Thái cho biết thêm, tình hình mại dâm ở nơi công cộng có xu hướng công khai và gia tăng do việc xử phạt hành chính hiện vẫn nhẹ.
Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ – TB &XH) Lê Đức Hiền cho biết, theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì không công bố tên tuổi, hình ảnh người bán dâm, mua dâm. Người bán dâm có hành vi môi giới, tổ chức thì thành tội phạm hình sự. Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng quy định ngoài việc bị xử phạt hành chính tại chỗ hành vi mại dâm, người mua dâm sẽ bị thông báo về địa phương để chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục.
Nếu người mua dâm là cán bộ công chức, đảng viên hay lực lượng vũ trang thì tên tuổi sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật. Việc chưa công bố tên người mua dâm cũng là là mang tính nhân đạo. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Hiền cho biết, nếu công bố danh tính người mua dâm mà có tác dụng giảm tệ nạn mại dâm thì nên thí điểm làm thử.
Theo pháp luật, hành vi mua bán dâm chỉ bị xử lý hành chính và không được xem là một tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự, ngoài trừ hành vi mua dâm người chưa thành niên.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội rất hoan nghênh nhưng không tỏ ra tin tưởng Hà Nội sẽ thực hiện được. Theo TS Hồng, đề xuất này đã được đưa ra từ rất nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có địa phương nào làm được.
TS Khuất Thu Hồng cho biết, bà đã từng có bản kiểm điểm của hơn 200 người mua dâm. Tuy nhiên, khi hỏi một trong hơn 200 người đó về việc có hay không việc báo về địa phương, đơn vị công tác thì chỉ nhận được câu trả lời: "cùng là đàn ông không ai làm việc đó".
Trong khi đó, những người mua dâm, bà Hồng cho rằng, tội họ còn nặng hơn bán dâm. Người mua và bán dâm đều vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, bị xử lý hành chính, gửi thông báo về cơ quan hoặc địa phương nơi làm việc, cư trú. Việc báo chí công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng. Ngoài vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, đa phần người mua dâm đều đã có gia đình, như vậy, họ còn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc công khai danh tính một chiều còn thể hiện bất bình đẳng giới, bởi quan niệm xã hội vẫn cho rằng, đàn ông có quyền trăng hoa, phụ nữ thì không.
Ngược lại, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhận định: biện pháp công khai danh tính của người mua dâm sẽ không làm hạn chế được tình trạng này, vì chúng ta chỉ mới giải quyết được phần ngọn, còn cái gốc thì vẫn còn đó.
“Có cầu ắt phải có cung, khách quan mà nói, đây là nhu cầu thật của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Vì mỗi người có một cơ chế sinh lý và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên không phải ai có nhu cầu này trong một thời điểm nhất định nào đó cũng xấu. Đã đến lúc, như các nước phát triển khác, chúng ta phải nghĩ đến việc xem mại dâm là một nghề, để quản lý và kiểm soát nó tốt hơn, trước mắt chỉ nên thí điểm và nhân rộng theo lộ trình.”, Luật sư Hưng nói.
Vị luật sư ví von: tình trạng mại dâm như “một con ngựa bất kham”, chưa có thuốc đặc trị. Với những công cụ pháp lý hiện tại, nó không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn gia tăng với những hình thức tinh vi hơn. Hàng ngày, qua các tuyến đường “nhạy cảm” ở các thành phố lớn, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp và nhận biết các cô gái bán dâm, có những điểm đã tồn tại hàng chục năm trời nhưng chính quyền sở tại cũng chưa có cách gì dẹp được. Đó là hình ảnh minh chứng sinh động nhất để chứng tỏ rằng, dùng các công cụ pháp lý hành chính khó có thể hạn chế được tình trạng này.
“Mặc dù việc công khai danh tính người mua dâm không vi phạm đến quyền nhân thân của họ, nhưng nó có thể để lại những hậu quả xã hội khác lớn hơn, như ảnh hưởng đến hạnh phúc, tương lai sự nghiệp của không ít người mà bản chất của họ không phải là người như vậy. Một người vợ có thể tha thứ và bỏ qua giấy phút “nông nổi” của chồng, nhưng phút “nông nổi” của người chồng bị công khai ra xã hội, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với anh.”, Luật sư Hưng nói.