Hướng dẫn làm đẹp
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Ẩm thực
  • Cầu kỳ như cơm cháy kiểu Ninh Bình

Cầu kỳ như cơm cháy kiểu Ninh Bình

Một đặc sản của Ninh Bình mà nếu ai có dịp về thăm cũng đều háo hức: cơm cháy. Mới nghe, ai cũng tưởng cái món nhà nghèo này bình thường thôi, vậy mà có thử mới biết, món này đích thực cầu kỳ chẳng kém món vua quan ăn.

"Rượu ngon cơm cháy thịt dê

Ninh Bình chào đón khách về tham quan…"

Tuổi đời món cơm cháy dễ cũng tới 100 năm tuổi. Tương truyền, người sáng tạo ra món này là Đinh Hoàng Thăng. Vào thế kỷ 19, ông ra Hà Nội làm công cho một tiệm người Hoa. Đem lòng yêu con gái ông chủ mà không được chấp thuận, ông Thăng trở về quê và mở một quán ăn chuyên về cơm cháy. Sau này, ông lại được chủ cũ mời cộng tác trở lại và gả con gái cho. Từ đó, món ăn này cũng gắn với một mối tình cảm động.

Không biết câu chuyện này thực hư ra sao, nhưng tôi thấy sự gần gũi của món cơm cháy với món mì chiên giòn của người Hoa. Mì vàng được chiên trong chảo ngập dầu, sau đó rưới lên một loại xốt có bột năng và cà rốt, tim cật. Rất có thể, từ món mì chiên giòn này, ông Đinh Hoàng Thăng đã sáng tạo ra món cơm chiên giòn, tức cơm cháy ngày nay.

Các quán cơm cháy, dê núi ở Ninh Bình mọc lên như nấm ở thành phố Ninh Bình, các khu du lịch như Tam Cốc, Bích Động, Tràng An, Kim Sơn…Tôi từng ăn cơm cháy ở khu trung tâm thành phố, nhưng đến khi được thưởng thức món này ở một nhà hàng cách Tràng An chừng vài cây số thì mới thấy quả thật danh bất hư truyền.

Ông chủ quán bật mí cho tôi, để có món cơm cháy ngon thì phải được nấu bằng gạo ngon. Lớp cháy dưới nồi cơm vàng ươm được đem chiên trong chảo ngập dầu cho tới khi hạt gạo cứng ấy nở bung hết, khi ăn rất xốp và giòn tan. Một nồi cơm chỉ có một mẻ cháy, bởi vậy phải nấu vài nồi cơm mới có đủ cháy bán cho khách hàng, sự cầu kỳ nằm ở chỗ đó.

Ngon hay không ở món cơm này còn phụ thuộc phần lớn vào nước xốt. Tim, cật, cà rốt, hành tây được nấu trong nước hầm xương, nêm gia vị đậm đà hơn nấu canh một chút, khi ăn rưới lên cơm cháy, vậy là đủ ngọt ngào.

Cơm cháy bây giờ xuất hiện ở nhiều nơi với biến thể rắc chà bông lên ăn kèm, hay bán cho người đi tàu xe ăn vui miệng. Tuy vậy, cơm cháy ăn cùng nước xốt tim cật của Ninh Bình vẫn là món trứ danh, đáng phải thử nếu bạn có dịp qua đây.