Hướng dẫn làm đẹp
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Giảm cân
  • Cân đối quy hoạch hồ tiêu, đảm bảo phát triển bền vững

Cân đối quy hoạch hồ tiêu, đảm bảo phát triển bền vững

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, với tốc độ tăng trưởng ổn định trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2014 dự kiến sẽ cán mức kỷ lục 1 tỉ USD, mức cao nhất trong lịch sử phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam. Hồ tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị trí xuất khẩu số 1 thế giới.

Xuất khẩu hạt tiêu liên tục gia tăng

 

 Cây hồ tiêu phát triển mạnh tại khu vực Tây Nguyên (Ảnh: HNV)

VPA cho biết, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 ước đạt 9.000 tấn, với giá trị đạt 74 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng năm 2014 lên 119.000 tấn với giá trị 862 triệu USD, tăng gần 29% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp, hồ tiêu đạt mức tăng về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu cao nhất so với các mặt hàng nông sản khác.

 

Cũng theo VPA, trong 7 tháng qua, giá tiêu luôn ở mức cao, người nông dân có lợi nhuận cao. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đạt 7.156 USD/tấn, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu tiêu sang 4 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2014 đều có mức tăng trưởng mạnh. Thị trường Mỹ tăng hơn 29% về khối lượng và tăng 38% về giá trị, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 56% về khối lượng và 80% về giá trị. Đặc biệt, xuất khẩu hồ tiêu sang Singapore tăng gấp hơn 2 lần về khối lượng và tăng gần 3 lần về giá trị, thị trường Ấn Độ tăng gấp hơn 2 lần cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Chỉ riêng ngày 31/7, giá tiêu trung bình tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ đã lên mức 187.000-188.000 đồng/kg, trong khi giá bán tại các hộ bảo quản tốt, độ ẩm dưới 12% là 200.000 đồng/kg. Theo VPA, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá bán này, người trồng tiêu đang có lãi 70%.

VPA nhận định, giá tiêu trong nước tăng do mất cân đối cung cầu trên thị trường thế giới. Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam hiện ở mức xấp xỉ 8.000 USD/tấn, còn tiêu trắng 10.000 USD/tấn.

Điều chỉnh và giám sát quy hoạch hồ tiêu để phát triển bền vững

Do giá tiêu hạt đang tăng cao nên đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, ồ ạt mở rộng thêm hàng nghìn hécta tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch. Thậm chí, trồng trên những vùng đất không thích hợp, nhất là các vùng đất trũng, dễ ngập nước, vùng đất bị nhiễm bệnh. Nghiêm trọng hơn, đồng bào còn đưa các giống tiêu không rõ nguồn gốc, giống tiêu lạ vào trồng đại trà, thiếu các biện pháp đầu tư thâm canh, chăm sóc… nên dễ dẫn đến nguy cơ sau vài năm tiêu chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên vượt xa so với quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu; thực hiện thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, các Trung tâm Khuyến nông để chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tạo điều kiện giúp cho đồng bào các dân tộc đầu tư thâm canh, phát triển cây tiêu bền vững.

Theo Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%. Về cơ cấu sản phẩm: tiêu đen 70% (trong đó, tiêu nghiền bột 15%), tiêu trắng 30% (tiêu nghiền bột khoảng 25%) và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỷ USD.

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng quy hoạch ngành hồ tiêu trên toàn quốc tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu tại địa phương; tổ chức thực hiện phương án quy hoạch được duyệt. Đối với diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa, cần có kế hoạch trồng tái canh. Hồ tiêu trồng ở những nơi điều kiện sinh thái không thích hợp, hồ tiêu bị nhiễm các bệnh khó phòng trị và không nằm trong vùng quy hoạch được duyệt, các đơn vị cơ sở cần khuyến khích chuyển sang trồng cây khác theo quy hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu; ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo chứng chỉ chất lượng VietGAP, Global GAP…; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu Việt Nam; khai thác tốt các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường có nhiều tiềm năng như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; các thị trường mới như: Trung Đông, Châu Phi…./.