Hướng dẫn làm đẹp
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Chia sẻ
  • Lần đầu tiên phim kinh dị Việt đạt doanh thu “khủng”

Lần đầu tiên phim kinh dị Việt đạt doanh thu “khủng”

Hơn 1.100 lượt chiếu trong 4 ngày, bộ phim "Đoạt hồn" đã có doanh thu 12 tỷ đồng.

Ra mắt vào dịp hè năm nay, bộ phim thể loại kinh dị “Đoạt hồn” của đạo diễn Hàm Trần với sự góp mặt của dàn diễn viên sáng giá: Kiều Chinh, NSƯT Ngọc Hiệp, Thương Tín, Trần Bảo Sơn... đang gây chú ý như một “món ăn lạ” cho khán giả giữa thời điểm phim hành động, phim hài, phim hoạt hình… chiếm lĩnh rạp.

Từng bị gắn mác 18+

Ra mắt khán giả từ ngày 18/7, bộ phim “Đoạt hồn” của đạo diễn Hàm Trần thu hút gần 160.000 lượt khán giả. Con số kể trên vượt qua sự kỳ vọng của những nhà đầu tư và sản xuất bởi đây là phim từng bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia gắn mác 18+ (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi).

Đạo diễn Hàm Trần cho biết: “Ý tưởng bộ phim đã được tôi ấp ủ từ cách đây 4 năm, trong lần cùng hai người bạn đọc được bản tin về một xác chết trôi sông và cả 3 người nảy ra ý định phải làm một bộ phim kinh dị về việc này. Nhưng cũng phải 3 năm sau ý tưởng này mới được biến thành kịch bản và chuyển thể thành phim”.

“Đoạt hồn” mở đầu bằng cảnh một cô gái bộ dạng rách rưới, đầy thương tích ôm theo con rối nước làm bằng gỗ cùng ánh mắt uất hận tuyệt vọng nhảy cầu tự vẫn.

Cũng tại đoạn sông này không lâu sau đó, một cô bé 8 tuổi rơi xuống nước, đã tắt thở khi được tìm thấy xác nhưng rồi đột nhiên sống lại với nhiều biểu hiện khác thường. Rồi những cái chết trôi sông đó là cái cớ cho bí mật của tội lỗi dần được hé lộ.

Đạo diễn đã tạo nên mê cung để cả nhân vật dù chính hay phụ đều bị nhìn như kẻ tội đồ cho đến khi sự thật được làm sáng tỏ ở cuối phim. Lồng ghép trong câu chuyện này, phim cũng khắc họa được số phận của những cô gái vùng ven biên giới, hoạt động phi pháp, hành động dã man của bọn buôn người.

Bằng nội dung lạ, diễn biến khá logic, trọn vẹn, số phận nhân vật được xâu chuỗi hợp lý cộng hình ảnh được trau chuốt khá kỹ, âm thanh sống động… phim đã khiến nhiều khán giả phải… run từ những phút đầu tiên. Ngay cả góc quay, màu sắc trầm xuyên suốt đã phủ lên phim chất kinh dị, ma mị.
Bên cạnh đó, sự đảm bảo của những tên tuổi trong làng điện ảnh như Kiều Chinh, Ngọc Hiệp, Thương Tín, Trần Bảo Sơn cộng với những diễn viên trẻ đang thu hút dư luận như Nhung Kate, Hồng Ân, Suboi, Thanh Mỹ đã góp phần làm nên sự đa sắc trong tác phẩm điện ảnh này.

Với ai đã từng xem “Đoạt hồn” hẳn sẽ bị ám ảnh bởi diễn xuất của diễn viên nhí Thanh Mỹ (vai Ái) với khuôn mặt trong veo, mái tóc dài luôn ôm con búp bê gỗ đáng sợ. Thanh Mỹ vào vai khá sắc, lúc trong veo, lúc vô hồn, lúc ghê rợn…

So với diễn xuất của dàn diễn viên kỳ cựu hơi “an toàn”, gần như chỉ dừng ở mức tròn vai thì sự ngây thơ, biến hóa của Thanh Mỹ đã ghi điểm trong lòng công chúng.

Mới đủ “dọa”, chưa đủ “dị”?

Cũng như vài phim kinh dị Việt Nam khác, nếu đoạn đầu phim “Đoạt hồn” đảm bảo được yếu tố ly kỳ, lôi cuốn thì đoạn giữa nội dung có phần dài dòng. Những phút “câm” có thể là ý đồ của đạo diễn nhằm giúp khán giả tò mò về diễn biến sắp tới song vô hình lại tạo thành cảm giác rời rạc.

Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, đạo diễn Hàm Trần hơi “tham” khi chọn quá nhiều yếu tố, thông điệp chuyển tải: nạn buôn người, mại dâm tuổi vị thành niên, tâm linh... Do vậy, phim không tránh khỏi sự dàn trải.

Anh Tuấn, một khán giả tại Hà Nội sau khi xem “Đoạt hồn” đã chia sẻ cùng chúng tôi: “Tôi thấy phim tạo ấn tượng về hình ảnh, âm thanh, tạo cảm giác hù doạ khán giả từ những phút đầu tiên. Hình tượng nhân vật Tuyết (Nhung Kate đóng) khá chỉn chu, rùng rợn.

Theo tôi, điểm nhấn của bộ phim chính là cô bé Thanh Mỹ. Biểu cảm, ánh mắt của Thanh Mỹ rất thu hút và thuyết phục. Nhưng nội dung phim quá dễ đoán, đi vào lối mòn, rập khuôn đầy rẫy các phim Mỹ.

Nhiều chỗ lạm dụng âm thanh, hình ảnh hù doạ khán giả nhưng lại làm chưa tới, hời hợt nên nửa đoạn sau chẳng có cảm giác sợ gì nữa. Hơn hết là ở đoạn kết gây khó hiểu, không có giải đáp thoả đáng nên tôi cảm thấy phim chưa thực sự thuyết phục”.

Với phim kinh dị, yếu tố sợ hãi và ám ảnh là quan trọng nhưng trừ hình ảnh đầu tiên khi cô bé Ái được phát hiện trong nhà xác và hình ảnh hồn ma bay trên mặt nước là phần nào “dọa” được người xem thì càng về cuối phim, sự sợ hãi giảm đi khá nhiều.

Thông thường trước những cảnh quay “dọa” khán giả, phim kinh dị Việt luôn chọn những chi tiết quen thuộc để khơi gợi lại tình tiết làm khán giả sợ nhất chứ không sợ vì bối cảnh hiện tại.

uốt mạch phim, đạo diễn chủ ý dùng yếu tố tiếng nước rơi lõm bõm và lời ru ma mị để dọa nhưng trên thực tế nó chỉ như chất xúc tác làm tăng sự ma mị chứ chưa đủ độ để làm nên cái dị thường của một bộ phim được gắn mác kinh dị. Ngay cả cái kết của phim cũng khiến không ít khán giả hụt hẫng khi đạo diễn chọn cách tái hiện lại những cảnh quay đầu để chốt vấn đề.

Khi cùng chúng tôi bàn luận về vấn đề này, đạo diễn Hàm Trần cho biết: “Mục tiêu của tôi là cố gắng giữ cho phim càng cân bằng càng tốt. Phim là một câu đố mà khán giả cố gắng tìm lời giải đáp. Riêng cái kết của phim, tôi xem đó là một thách thức sáng tạo. Tôi tin với những ai hiểu được, họ sẽ thấy thỏa mãn”.

Làm phim kinh dị đã khó, làm phim kinh dị cho khán giả Việt, chinh phục thị trường Việt lại càng khó hơn. Mặc dù còn vài điểm trừ vì chưa thực sự khiến công chúng và giới chuyên môn thỏa mãn nhưng xét ở một góc độ nào đó, vẫn cần ghi nhận cách lao động nghệ thuật nghiêm túc, chuyên nghiệp của êkíp phim “Đoạt hồn”.

Đặc biệt là trong giai đoạn điện ảnh Việt Nam phim hay thì ít, phim “thảm họa” thì nhiều, tác phẩm của Hàm Trần vừa là một bộ phim đáng xem, vừa là bộ phim đáng nghĩ.